Bài Viết Liên Quan
1. Khái quát chung và vai trò của trang trí trong đời sống:
Trang trí hay nghệ thuật làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu của con người, là mong muốn thuộc về tình cảm, ý thức tâm lý của con người, là ước mơ cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Con người và cái đẹp thường song hành với nhau. Con người ngày càng phát triển và nhu cầu thưởng thức cái đẹp cũng được nâng cao rõ rệt đáp ứng những đòi hỏi chung của xã hội đương thời.
Nghệ thuật trang trí có mặt ở mọi lĩnh vực, ngành nghề của xã hội: trang trí trong gia đình, trang trí lớp học, trang trí cơ quan, trang trí trường mầm non, trang trí công xưởng nhà máy, trang trí sản phẩm hàng hóa …
Từ những vật dụng thường ngày nhất như: bát đĩa, ấm chén, bình lọ, khăn quàng, quần áo… cho đến những đồ vật lớn như bàn ghế, xe máy, ô tô… cổng làng, đình chùa, miếu mạo…. bất kể thứ gì cũng có mặt của nghệ thuật trang trí. Nó góp phần tô điểm, trang hoàng và làm sống động không gian, làm cho cuộc sống tinh thần của con người thêm phong phú.
Xã hội ngày càng phát triển và văn minh, nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng phong phú. Văn hóa xã hội của nhân loại nói chung và các loại hình trang trí sẽ được áp dụng rộng rãi trong việc tạo ra các sản phẩm, vật phẩm, công trình kiến trúc trên mọi lĩnh vực để phục vụ đời sống của con người, giúp con người nhìn nhận thế giới một cách hoàn thiện và có cái nhìn thẩm mỹ hơn.
2. Ký họa và cách điệu họa tiết làm tài liệu trang trí:
a. Ký họa:
* Khái quát chung:
- Khái niệm: Ký họa là vẽ, ghi chép theo cách thức của người vẽ trước các đối tượng miêu tả khác nhau. Đối tượng của ký họa rất phong phú như: hoa, lá, quả, côn trùng, động vật, mây, lửa, mặt trăng, mặt trời, sóng nước, người… Mọi đối tượng này đều có trong tự nhiên và đều phải được ký họa từ các dáng thực.
Chất liệu ký họa: Có thể ký họa bằng bút chì, bút sắt, mực tàu, thuốc nước, phấn màu, bột màu, bút lông trên giấy.
- Các loại ký họa: Thời gian ký họa – thường là giai đoạn đầu của mỹ thuật, giúp người học tiếp xúc, làm quen với đối tượng về hình dáng, tỷ lệ, màu sắc, bố cục… và là bài tập thường xuyên trong suốt quá trình học mỹ thuật. Tùy theo ý định của người vẽ và mục đích của bài tập mà có: ký họa nhanh và ký họa sâu. Ký họa nhanh là chỉ cần bắt lấy dáng là chính, còn ký họa sâu là tiến sâu thêm một bước là ký họa có tả rõ chi tiết đậm nhạt, màu sắc.
- Tác dụng của ký họa: Để lấy tài liệu phục vụ cho xây dựng họa tiết trang trí và tư liệu phục vụ cho vẽ tranh.
* Cách ký họa: Ký họa có nhiều cách hay phương pháp khác nhau nhưng tiêu biểu có ba cách phổ biến:
- Ký họa bằng nét đều: Là dạng chỉ dùng nét liền mạch để thể hiện để thể hiện lại đối tượng, không có sự tác động của ánh sáng.
- Ký họa bằng nét đậm nhạt: Dùng nét nhấn, buông thay đổi liên tục và phụ thuộc vào hướng chiếu sáng hoặc trọng lượng của đối tượng.
- Ký họa bằng mảng đạm nhạt: Là cách vẽ có gợi khối theo mảng, nó phụ thuộc vào hướng chiếu sáng tác động vào đối tượng và cấu trúc của đối tượng đó.
Ba cách ký họa cơ bản
* Phương pháp ký họa hoa lá: Ký họa hoa lá làm tài liệu trang trí quan trọng nhất là dáng cấu trúc và chi tiết, vì vậy cần quan sát, chọn lọc đối tượng cho kỹ để có hướng ký họa rồi cách điệu phù hợp với yêu cầu của bài.
Họa tiết được dùng trong trang trí chủ yếu mảng là chính. Chi tiết nhỏ chỉ làm điểm nhấn cho sinh động. Do đó, khi ký họa đối tượng thật, những trường hợp nào có dạng cấu trúc thanh nhỏ kéo dài hoặc nhiều chi tiết phức tạp quá sẽ rất khó cho việc ký họa và khi đưa vào cách điệu cũng không đẹp, ta cần phải tránh. Chọn những đối tượng có hình dáng, cấu trúc to khỏe, cân đối, chi tiết mạch lạc thì khi ký họa và chuyển sang cách điệu cũng dễ hơn. Khi tiến hành ký họa phải quan sát kỹ đối tượng ở nhiều góc độ, rồi chọn góc nhìn nào có nhiều ưu điểm nhất thì tiến hành phác hình và chỉnh hình tới khi hoàn thiện.
Ký họa sâu một số đối tượng
* Phương pháp ký họa động vật:
- Ký họa hoa lá là ký họa vật tương đối tĩnh; còn ký họa động vật thì lại động nên rất khó. Do vậy, cần đảm bảo hai bước tiến hành sau:
+ Quan sát: Trước khi vẽ, cần quan sát kỹ để nắm được đặc điểm cấu trúc, hình dáng của con vật và sự chuyển động của các bộ phận trên cơ thể khi vận động. Nên vẽ những dáng tĩnh hoặc dáng thường lặp lại nhiều lần. Ví dụ: dáng con trâu đang nằm nghỉ hay đang gặm cỏ; con chó, con mèo đang nằm ngủ hay đang ăn, con gà đang mổ thóc… Có thể vẽ ký họa nhiều loại động vật khác nhau. Khi đã vẽ tương đối thành thạo thì chuyển sang vẽ những dáng động như các con vật đang bơi lội, chạy nhảy…
Ký họa sâu một số hình con vật
+ Vẽ hình: Vẽ phác nhanh đường hướng của các bộ phận chính bằng những nét thẳng. Dựa vào đó, vẽ hình chu vi của con vật. Khi vẽ cần nheo mắt để không bị chi phối bởi các chi tiết. Sau khi vẽ xong hình chu vi, tiếp tục quan sát để vẽ thêm những đặc điểm nổi bật của con vật và gợi đậm nhạt bằng nét hoặc bằng các mảng đậm nhạt cho hình vẽ thêm sinh động. Trong quá trình vẽ, có thể con vật thay đổi hướng vận động, trong trường hợp đó ta chờ con vật lặp lại đúng dáng cũ rồi vẽ tiếp hoặc có thể bổ sung bằng trí nhớ.
Ký họa sâu một số hình con vật
b. Cách điệu họa tiết dùng cho trang trí:
Cách điệu là quá trình chuyển hóa các đối tượng ở tự nhiên sang một hình thức mới sao cho gọn hơn, súc tích hơn, ấn tượng hơn. Hoặc có thể hiểu bằng nhiều cách khác nhau như: từ một đối tượng thật phải trải qua một trong những cách rút gọn sau: khái quát hóa, đơn giản hóa, cách điệu hóa, cường điệu hóa, biểu trưng hóa. Hay trải qua 4 bước: nghiên cứu cấu trúc vật thể trong tự nhiên, gạn lọc, bổ sung, cấu trúc lại.
Những cách trên đều đi đến một mục đích cuối cùng là từ một đối tượng thật phải trải qua nghiên cứu và biến đổi để chúng trở thành họa tiết hay mô típ dùng trong trang trí. Tuy nhiên có thể rút gọn thành hai cách hoặc hai phương pháp cách điệu họa tiết như sau:
* Phương pháp cách điệu theo tự nhiên: Dựa vào cấu trúc của đối tượng thật, thể hiện lại theo kiểu vẽ hình đồng dạng. Có nghĩa là đối tượng ở tự nhiên như thế nào, ta thể hiện lại giống thế đó, nhưng các chi tiết nhỏ, vụn vặt, rườm rà không cần thiết thì phải lược bỏ. Sau đó có thể đơn giản chúng bằng các mảng hình to, nhỏ, dài, ngắn theo các tỷ lệ khác nhau và trang trí, tạo hình trên bề mặt cho chúng. Có thể trang trí bằng các mảng đậm, mảng sáng, mảng chấm chấm, mảng gạch gạch, mảng đan chéo, mảng sóng, mảng tổng hợp v.v… Hiểu đơn giản là trang trí bằng nét hoặc trang trí bằng mảng.
Các bước ký họa và cách điệu lá, quả
Các bước ký họa và cách điệu côn trùng, động vật
* Phương pháp cách điệu cấu trúc lại dựa trên cơ sở những nguyên tắc mới:
Ở phương pháp này cần phải chọn được đối tượng có cấu trúc và hướng cách điệu phù hợp: đơn giản và quy chúng về các hệ trục như: trục đôi, trục ba, trục tư, trục năm, trục sáu, trục tám và phân chia các mảng theo tỷ lệ to nhỏ khác nhau. Trên cơ sở đó tiến hành trang trí cho từng mảng theo kiểu nét hoặc mảng.
Một bông hoa được cách điệu bởi nhiều cách
Dù chọn phương pháp cách điệu nào cũng đòi hỏi người vẽ phải bấm sát hai mặt của vấn đề là tính hiện thực và sáng tạo, thiếu một trong hai điều ấy thì khó có được họa tiết trang trí đẹp. Có nghĩa là sản phẩm sau khi đã cách điệu vẫn giữ được tính hiện thực của đối tượng (về dáng hoặc đặc điểm phải giống đối tượng thật). Tính sáng tạo là phần người vẽ trang trí thêm vào, bớt đi hoặc thay đổi theo một hướng mới mang ngôn ngữ sáng tạo hơn là cái thật. Do vậy, một họa tiết sau khi đã được cách điệu phải có tính thực và tính hư (thực thực – hư hư, hư hư – thực thực).
Một số hình cách điệu
3. Hoa văn dân tộc:
Việt Nam có lịch sử nghệ thuật trang trí từ lâu đời trải qua bao thế kỷ phát triển đã để lại một kho tàng văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Tìm hiểu, kế thừa và phát triển họa tiết hoa văn dân tộc sẽ là niềm tự hào về dân tộc và trợ giúp rất nhiều trong quá trình sáng tạo các mẫu hoa văn mới.
Tiêu biểu có những loại hoa văn sau:
* Thời tiền sử (khoảng 4000 – 2000 năm):
- Sơ kỳ đồ đá là thời kỳ bắt đầu và hình thành hoa văn hình hình học được trang trí trên các công cụ lao động như: rìu, mác…
- Sơ kỳ đồ đồng (giai đoạn Phùng Nguyên) là giai đoạn hình thành và phát triển đồ gốm. Thời kỳ này có 18 mẫu hoa văn dạng hình học được trang trí trên đồ gốm Hoa Lộc.
- Sơ kỳ đồ sắt (giai đoạn văn hóa Đông Sơn) là thời kỳ sản sinh ra nhiều loại hoa văn trang trí sinh động, được trang trí trên các công cụ, đồ dùng, vũ khí, đồ trang sức… như: hình chim, hình cá, hình người, muông thú, mặt trời, nhà sàn, thuyền, mây, nước, lửa v.v… Họa tiết trang trí phản ánh tín ngưỡng phồn thực, nền văn hóa lúa nước của dân tộc ta.
Một số hoa văn dân tộc thời tiền sử
* Thời phong kiến (Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ IX – XIX): Hoa văn ở những thời kỳ này đạt tới đỉnh cao và được trang trí khá phong phú như: hoa văn có trên các bệ tượng, chân cột, ở các cấu trúc đầu hồi, những bức hoành phi, cửa võng, đầu vì kèo, đầu đao … của những ngôi chùa, đình; hoa văn trên các sản phẩm đồ gốm như: bình, lọ, ấm, chén, bát, đĩa…; hoa văn trên bia đá ở Văn Miếu; hoa văn trên vải và các sản phẩm khác v.v… Gồm các loại họa tiết như: long, ly, quy, phượng (rồng, lân, rùa, chim phượng); người, con vật, hoa sen, hoa cúc, lá đề, cây đào, cây tùng, cây trúc, cây mai, nhạc cụ, cuốn thư, mây, lửa, nước, mặt trời…
Tất cả những hoa văn trên được cách điệu khá tinh tế và trang trí có hệ thống mạch lạc, khúc triết làm tôn vẻ độc đáo và linh hồn cho họa tiết. Nó chứng tỏ tài năng và bàn tay khéo léo của cha ông ta trước đây đã đạt tới trình độ cao về thẩm mỹ. Thông qua nhiều phong cách thể hiện độc đáo và được khai thác từ nhiều chất liệu bền chắc như: đá, đồng, gốm, gỗ, vải… đã để lại một kho tư liệu quý giá cho thế hệ sau học tập và nâng cao hơn óc thẩm mỹ sáng tạo của mình.
Một số hoa văn dân tộc thời phong kiến
Nguồn: mythuatms.com
Đăng nhận xét